nguontinviet.com

Tìm Kiếm

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Đồng bạc kê ngân bí ẩn trong lăng mộ Thoại Ngọc Hầu

Khối di vật quý giá mà Thoại Ngọc Hầu và phu nhân để lại có nhiều loại tiền tệ bằng đồng, vàng, bạc..., trong đó xác định được một số loại của VN, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, có hai loại tiền bằng bạc đúc nổi hình con chim, dáng dấp giống con gà khá lạ, ông giữ 350 đồng, bà có 75 đồng.

Đồng tiền này rất nhỏ bé, chỉ bằng nút áo, hình tròn dẹp, bằng bạc, đường kính từ 1 - 1,5 cm, trọng lượng 5 gr, lưng tiền để trơn. Có lẽ vì hình con chim giống gà trên đồng tiền này nên người dân đương thời gọi đây là bạc con gà (kê ngân).

Bạc của chúa Nguyễn?

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục tập 2 (bản dịch của Lê Xuân Giao, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1973) có đề cập đến một loại tiền mà ông gọi là “kê ngân”. Trong cuốn sách Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 thì cho rằng “kê ngân có thể chỉ tất cả các loại tiền đúc của người Âu” (Nguyễn Nghị dịch, NXB Trẻ, 1999, tr.236). Có lẽ nhận định này chưa được chính xác vì tiền châu Âu vào khoảng thế kỷ 17 - 18 thường in chữ của quốc gia phát hành kèm theo chân dung các vị vua đương thời hoặc có quốc huy, biểu tượng của hoàng gia nước đó... Hơn nữa cho đến nay, không có đồng tiền châu Âu nào ở thế kỷ 17, 18 tìm thấy tại Nam bộ có in hình con gà.

Thực tế, khó thể cho rằng bạc con gà này thuộc văn hóa Óc Eo vì đến thời Lê Quý Đôn cuối thế kỷ 18, tiền thuộc văn hóa Óc Eo đã hoàn toàn mất dấu. Hơn nữa trong văn hóa Óc Eo có loại đồng bạc “mặt trời”, tức in nổi hình mặt trời cách điệu, và khi muốn dùng thanh toán cho những món hàng giá trị thấp thì đồng bạc này đã được cắt nhỏ làm 2, làm 4, làm 8, 12 thậm chí nhỏ hơn rất nhiều. Nếu lúc ấy có bạc con gà thì làm sao họ lại phải cắt nhỏ đồng bạc “mặt trời” cho tốn sức lại chưa chắc đã chính xác trong việc thanh toán.

Nếu nói bạc này do chúa Nguyễn phát hành cũng không phù hợp vì truyền thống đúc tiền của VN ở Đàng Trong cho đến thế kỷ 18 hầu như không có loại tiền bằng bạc hình tròn dẹp, mà chủ yếu là tiền bằng đồng đỏ mặt tròn lỗ vuông, trên có khắc 4 chữ Hán, có thể là niên hiệu vua Lê như Bảo Thái thông bảo, hoặc với những ý nghĩa nhất định như Thái Bình thông bảo, Gia Hưng thông bảo, Tường Phù nguyên bảo, hoặc tiền bằng kẽm cũng hình tròn dẹp lỗ vuông như Thiên Minh thông bảo… Việc tìm thấy đồng bạc “con gà” trong di vật của Thoại Ngọc Hầu cho thấy loại này có thể đã được sử dụng vào cuối thế kỷ 18 ở Nam bộ, với kỹ thuật đúc khá tinh vi nên việc xác định ai đúc không phải dễ dàng.

Và đồng bạc con gà trong di vật Thoại Ngọc Hầu có phải chính là “kê ngân” mà Lê Quý Đôn đã đề cập trong Phủ biên tạp lục?

Những thỏi bạc in hình chiếc lá

Trong lăng mộ Thoại Ngọc Hầu còn tìm thấy những thỏi bạc nhỏ dạng gần giống hình cầu nhưng không tròn như viên bi mà hơi giống chiếc khuyên tai “con đỉa” đường kính 1,5 cm, có 2 mặt hơi lõm, trên một mặt có dấu in chìm một hình như hình lá đề nhỏ rất khó nhìn, dân rà phế liệu gọi là tiền “gúc”, có trọng lượng 50 gr. Ông và bà mỗi người có 10 thỏi.

Lê Quý Đôn trong tài liệu dẫn trên cũng có đề cập đến loại tiền “dung ngân”, tức tiền (có hình) lá đề. Dung, chữ Hán nghĩa là cây đa (cây si, cây đề - theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh). Điều cần lưu ý là cho đến nay, trong nhân dân không có ý niệm gì về loại bạc này. Hình chiếc lá rất nhỏ nhưng có lẽ Lê Quý Đôn đã nhìn được chiếc lá đề in trên thỏi bạc này.

Tên gọi trên khó thể xác định là do người đương thời gọi hay Lê Quý Đôn tự đặt. Tuy nhiên, các thỏi bạc của Thoại Ngọc Hầu có hình lá đề đã xác nhận tên gọi của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục. Tư liệu thời chúa Nguyễn không có ghi chép gì về vấn đề đúc bạc. Vì vậy, không loại trừ loại bạc này là của một nước nào khác mang đến thanh toán với Đàng Trong vào thế kỷ 18. Cho đến nay chưa thể xác định được nước nào đã phát hành loại bạc này.

Dịch giả bộ Phủ biên tạp lục dịch “kê ngân” là bạc con gà và “dung ngân” là bạc lá si, tuy có thể ông chưa nhìn thấy loại bạc này nhưng cũng chấp nhận được khi hiện nay chúng ta có trong tay những hiện vật loại này của Thoại Ngọc Hầu, với các đặc điểm có hình con gà và hình lá si (lá đề).

Việc những đồng “kê ngân” và “dung ngân” được ghi chép qua tài liệu của Lê Quý Đôn và một số công trình nghiên cứu khác chứng tỏ Nam bộ, nhất là miền Tây sông Hậu, đã có một thời buôn bán sầm uất với nhiều phương tiện thanh toán bằng bạc song song với tiền đồng VN của Đàng Trong.

Đây là lần đầu tiên hai loại tiền này được công bố trên phương tiện báo chí, nhưng thực ra 2 loại tiền này đã được giới buôn bán đồ cổ biết tới khá lâu, trong đó phần lớn là những đồng lưu lạc trong nhân dân, nhưng cũng có một số được vớt lên từ lòng sông Tiền, sông Hậu. Những đồng tiền tìm thấy ngẫu nhiên này có kiểu dáng hoa văn, kích cỡ hoàn toàn phù hợp với phát hiện khảo cổ học lăng Thoại Ngọc Hầu, đã chứng minh niên đại chắc chắn của chúng và là một bổ sung quý giá cho những nghiên cứu sử học, đặc biệt là làm rõ được hình dạng của chúng khi mà những ghi chép của Lê Quý Đôn chỉ là nêu tên nên rất khó hình dung.

Phạm Hữu Công

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

www.nguontinviet.com

Phổ Biến

 
Thực Phẩm Hữu Cơ
Public group · 4,753 members
Join Group
Chợ Thực Phẩm Sạch
 

Translate

Giải Pháp Doanh Nghiệp

Bách Khoa Thư

Bài Viết Liên Kết

  • Mới đây, theo truyền thông đưa tin, Kilo - một startup hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B (Business to Business) tại Việt Nam đã ngừng ho...
  • Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) vừa đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – HoSE: MBB) với mục đích là đầu tư tà...
  • Nếu như trong bếp nhà bạn chưa từng xuất hiệu cải cầu vồng, thì bây giờ chính là thời gian để thử nghiệm loại rau mới này. Phổ biến như cải xoăn, cải cầu ...
  • *Bạn có bao giờ thắc mắc người Hàn ăn gì vào dịp Tết trung thu không? Câu trả lời là họ cũng ăn bánh trung thu , có điều khác bánh trung thu người Việt ...
  • [image: ngoc trinh] Nếu bạn thấy ảnh này ?
  • [image: ngoc trinh] Source : Tuyetsac,Com